Về làng cổ Thổ Hà, Bắc Giang thưởng thức tinh hoa ẩm thực Kinh Bắc

Ngoài món ăn tinh thần là những câu ca Quan họ mượt mà, điều níu chân du khách mỗi khi đến Thổ Hà có lẽ là những món ăn bình dị nhưng lại là kết tinh của nền ẩm thực Kinh Bắc xưa. Cùng Thành Công Travel tìm hiểu về những đặc sản dân dã này và đặt một lịch hẹn ngày gần nhất cùng đến thưởng thức.

1. Bánh khúc tai mèo Thổ Hà

Khác với bánh khúc thông thường, bánh khúc Thổ Hà không có phần xôi nếp bọc ngoài, bánh chỉ gồm bột bánh và phần nhân mặn. Bánh được tạo hình giống như bánh gối nhưng không xếp viên tỉ mẩn, nhỏ bằng hai ngón tay, giống như tai mèo, cái tên bánh khúc tai mèo ra đời từ đó.

Rau khúc sau khi hái về được rửa sạch, băm nhỏ rồi luộc sôi, bỏ nước, chỉ lấy phần rau chín. Sau đó đem giã nhuyễn với bột gạo tẻ để làm vỏ bánh. Sở dĩ người làng Diềm sử dụng loại gạo này vì nó đủ độ kết dính và không quá dẻo. Từ hai màu trắng – xanh của bột và rau khúc, theo nhịp giã nhịp nhàng nắm bột mịn chuyển màu xanh nhạt đều mịn.

Ghé đất Kinh Bắc, đừng quên thưởng thức bánh khúc tai mèo bình dị thơm thảo ở Thổ Hà

Phần nhân có hai loại. Một là nhân thịt, mộc nhĩ, hành khô. Hai là nhân đỗ mặn trộn với thịt mỡ tăng phần béo ngậy.

Bánh nặn xong được xếp ra mâm, chờ nước sôi rồi bỏ vào nồi hấp như đồ xôi. Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, khách vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt.

Chùa Bổ Đà (Bắc Giang) danh lam cổ tự- chốn tiên cảnh vùng Kinh Bắc

2. Cháo bánh canh Thổ Hà

Món cháo đặc biệt này gắn liền với đời sống sinh hoạt ca hát Quan họ của các liền anh, liền chị Thổ Hà nên còn được gọi với cái tên thân thuộc “cháo quan họ”. Sau mỗi canh hát hoặc xen giữa lúc giải lao, bát cháo bánh canh dẻo dai, quyện mùi hương thơm không chỉ tiếp thêm sức lực mà còn thăng hoa tâm hồn người hát.

Món cháo bánh canh đặc biệt tại Thổ Hà khiến du khách lưu luyến mãi không quên

Cách chế biến món cháo này tuy không khó nhưng cầu kỳ và tốn công. Bắt đầu là khâu ngâm gạo để làm bánh canh. Sau khi gạo đủ độ nở thì mang ra cối xay bột nước. Xay xong, bột nước được đổ vào khăn, hoặc túi lọc, đến khi róc nước, bột se khô thì đem nắm lại, thả vào nồi nước luộc. Chỉ cần đun vừa chín tái là vớt ra, cho ngay vào cối giã. Giã cho quánh, lại nắm bột, rồi cho vào nồi luộc lần thứ hai. Khi nước vừa sôi, lại vớt bột ra cho vào cối giã, và lại nắm bột cho luộc tiếp lần nữa. Lần thứ 3 vớt bột ra, cũng cho ngay vào cối giã, sau đó nắm bột đặt lên mặt thớt, rồi lấy ống tròn lăn, cán mỏng một lớp và lấy dao thái thành sợi bánh canh. Sau đó chỉ cần đun nước dùng sôi, thả bánh canh vào, lấy đũa hơi nâng khua nhẹ đến khi cái bánh canh trong là được. 

Vị ngon của bát cháo phụ thuộc hết vào nước dùng. Nước dùng phải là nước xương ninh, hoặc thịt nạc xay nhỏ bỏ vào. Muốn có nồi cháo bánh canh ngon, nước dùng phải được lọc kỹ sạn, hay xương vụn, hớt bỏ lớp mỡ trên mặt, cho vừa bột nêm. Gia vị gồm hành tươi và mùi tàu thái nhỏ, khi đơm cháo ra bát thì rắc vào. Hương vị của hành và mùi tàu, tạo mùi thơm đặc biệt – một mùi ẩm thực văn hóa làng rất hấp dẫn. 

Kinh nghiệm du lịch Làng nghề mỳ chũ Thủ Dương (Bắc Giang)

3. Di chuyển đến Thổ Hà

Thổ Hà là một ngôi làng cổ thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Làng cổ Thổ Hà cách Hà Nội khoảng 35km, thời gian di chuyển ngắn chỉ khoảng hơn 30 phút nên rất thích hợp cho những chuyến đi cuối tuần hay đi trong ngày.

Ngoài phương tiện cá nhân, bạn có thể đi xe khách hoặc xe bus để đến làng cổ Thổ Hà. Nếu đi xe bus bạn bắt chuyến xe số 54 (Long Biên – TP Bắc Ninh) sau đó đi taxi đến bến đò Vân Hà để tới làng Thổ Hà.

Bánh khúc tai mèo, cháo bánh canh là hai trong ba món ăn nhất định phải có trong mâm cúng tổ tiên vào những ngày lễ lớn tại Thổ Hà. Nếu bạn có dịp ghé qua ngôi làng cổ này, nhớ ghé chợ Thổ Hà để thưởng thức tinh hoa ẩm thực Kinh Bắc và cảm nhận nhịp sống chậm rãi, thong thả của người dân nơi đây.

 

Bài viết liên quan