Cao Bằng – một tỉnh miền núi nằm ở phía đông bắc Việt Nam, có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.
Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, từ những dãy núi đá cao sừng sững, thác nước hùng vĩ đến những con sông, con suối xanh ngắt một màu, Cao Bằng thu hút du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ và bản sắc văn hóa đậm đà.
1. Di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng
Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 280km mất khoảng 6-7 giờ lái xe.
Nếu đi ôtô riêng, bạn có thể di chuyển theo hướng cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, theo QL4 đến Cao Bằng. Một hướng khác là cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đến Thái Nguyên, tiếp tục đi cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới rồi đến Bắc Kạn, đi tiếp QL3 qua Phủ Thông – Ngân Sơn – Cao Bằng.
Nếu đi xe khách, bạn có thể lựa chọn các nhà xe như Thanh Ly, Khánh Hoàn, 42… tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm. Giá vé một người khoảng 200.000 – 300.000 đồng.
Đến thành phố, bạn có thể tìm các điểm thuê xe máy. Giá khoảng 150.000đ – 200.000đ một ngày, chưa bao gồm xăng xe. Bạn lưu ý đổ xăng đầy bình vì trên đường không có nhiều trạm xăng.
2. Đến Cao Bằng chơi ở đâu?
Thác Bản Giốc
Nằm trên biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc là một trong những thác nước lớn nhất và đẹp nhất ở Việt Nam. Đường đến Bản Giốc qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu và nhiều vùng đồng ruộng đẹp mắt. Bạn có thể thuê thuyền bè đi đến chân thác để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác này.
Vé vào thác là 45.000 đồng một người
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ẩn mình giữa dãy núi đá vôi ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và hệ thống nhũ đá khổng lồ bên trong động.
Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là “động Hổ”. Đây là hang động lớn với chiều dài hơn 2.100 m và nhiều nhánh chưa được khai phá.
Khách tham quan vào bằng cửa Ngườm Lồm và ra bằng cửa Ngườm Ngao. Lối đi này trải bê tông, có đèn sáng. Tuy nhiên, đường đi này bị đứt quãng ở đoạn giữa hang – nơi trần hang cao nhất.
Vé vào cửa 45.000 đồng.
Khu di tích Pác Bó
Khu di tích Pác Bó thuộc địa phận huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 50km.
Nơi này có nhiều điểm tham quan và khuôn viên rộng, bạn nên dành khoảng 4 tiếng để có thể khám phá trọn vẹn.
Sau khi qua cổng tham quan, du khách sẽ thấy cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài Bắc Nam, đối diện là khu tưởng niệm Bác Hồ. Để tới được suối Lê Nin và núi Các Mác, bạn sẽ đi bộ qua thôn Pác Bó.
Vé vào khu di tích Pác Bó là 25.000 đồng một người. Nếu sử dụng xe điện, du khách trả thêm 20.000 đồng một người.
Chợ phiên Bảo Lạc
Chợ phiên Bảo Lạc thường họp vào các ngày mùng 5, mùng 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hàng tháng, thu hút du khách bởi không khí sôi động và sự phong phú của văn hóa dân tộc vùng cao như Tày, Mông. Dao, Lô Lô… Cứ đến mỗi phiên chợ là lại ngập tràn màu sắc trang phục của các dân tộc thiểu số nơi đây, hay những mặt hàng nông sản bà con làm ra mang đến chợ bán.
Đặc biệt là hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Bạn có thể thưởng thức trọn vẹn ẩm thực miền cao với các món bánh bò, khẩu sli, bánh chưng đen, thịt lợn chua, lạp sườn hun khói… tại chợ phiên Bảo Lạc.
Núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần nằm trong quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất Cao Bằng, người địa phương thường gọi là núi Thủng.
Bao quanh núi là thung lũng rộng lớn với những thảm cỏ xanh trải dài, khung cảnh hoang sơ, yên bình và tĩnh lặng với những đàn ngựa thong thả gặm cỏ. Đây là địa điểm lý tưởng để cắm trại, chụp ảnh và tham quan cho du khách vào mỗi chiều hoàng hôn.
3. Đến Cao Bằng ăn gì?
Đã tới Cao Bằng, nhất định bạn phải thưởng thức các đặc sản như vịt quay, phở thịt quay, ong non xào măng, khâu nhục, gà hay giò lợn hầm hạt dẻ, xôi ngũ sắc, bánh cuốn… là những món ăn bạn dễ dàng tìm thấy ở khắp thành phố, giá khoảng 25.000 đồng.
Phở chua đặc sản Cao Bằng, bánh phở dai, ăn cùng thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn chiên, thịt vịt quay.
Cá trầm hương là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, bán nhiều ở chợ Trùng Khánh. Cá tươi làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức.
Bánh vịt chao nhìn bề ngoài khá giống bánh rán mặn nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt.
Hạt dẻ Trùng Khánh là món ngon không nên bỏ qua, nhưng chỉ có theo mùa. Người Cao Bằng có kiểu ăn độc đáo là luộc hạt dẻ rồi rang khô, bóc tách vỏ lấy nhân. Nhân đem giã nghiền thành bột, trộn đều vào cốm từ giống nếp Pì Pất. Món ăn hấp dẫn với vị thơm của cốm, vị bùi của hạt dẻ.
Thịt lợn hun khói: thịt lợn sau khi tẩm ướp gia vị, gừng núi đá, mật ong rừng được đem hun dưới than củi và mía, cho thịt màu đỏ tươi, dậy mùi.