Nếu bạn nhìn thấy những lá cờ cầu nguyện Lungta với nhiều màu sắc khác nhau ở mọi nơi, bạn đã đến “đường chân trời”, nơi gần với thiên đường nhất – vùng đất Shangrila huyền thoại.
1. Ý nghĩ lá cờ Lungta
Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”. Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của ngựa gió tiêu biểu cho sự chuyển hóa của cái ác thành cái thiện, những điều không may thành cát tường, thịnh vượng; chướng ngại trở thành cơ hội may mắn.
Cờ được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Trên mặt lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh và những lời cầu nguyện.
Người Tây Tạng tin rằng, cờ Lungta khi treo ở trên cao, những cơn gió lướt trên bề mặt lá cờ sẽ mang phước lành lan tỏa khắp nơi, không gian sẽ được các lời minh chú tịnh hóa và trở nên đầy phúc lành.
2. Nguồn gốc màu sắc của cờ Lungta
Có nhiều thuyết bàn về nguồn gốc của lá cờ Lungta, nhưng được giới học giả nghiên cứu đón nhận nhiều nhất là quan điểm Lungta thuộc về đạo Bon. Đạo Bon chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, coi thế giới gồm năm nguyên lý: Đât – Nước – Lửa – Khí – Không và lấy 5 màu cơ bản để làm cờ đại diện. Khi Phật giáo hội nhập, thì 5 nguyên lý tương ứng với 5 vị Phật, 5 Trí tuệ của Phật. Rồi lại còn tương ứng với 5 vị Độ mẫu chuyên cứu độ loài người. Có loại Lungta in hình Phật, có loại in hình các linh thú chuyên chở kinh Phật, và trên nền luôn là các bài kinh hoặc chú Mật tông
Thứ tự màu sắc của các cờ là: vàng, xanh dương, đỏ trắng và xanh lục
- Đất – màu vàng – Bất Động Phật – Độ Mẫu Lochana – phương Đông – con Hổ
- Nước – màu xanh lam – Bảo Sinh Phật – Độ Mẫu Mamaki – phương Nam – Sư tử tuyết
- Lửa – màu đỏ – A Di Đà Phật – phương Tây – Độ Mẫu Pandaravasini – chim Garuda
- Khí – màu lục – Bất Không Thành Tựu Phật – Độ Mẫu Thanh Đala (Lục Độ mẫu, Green Tara) – phương Bắc – con rồng
- Không – màu trắng – Đại Nhật Phật – Độ Mẫu Bạch Đala (White Tara) – Ngựa gió
3. Shangrila – rực rỡ sắc cờ Lungta
Shangri-La là một huyện thuộc châu tự trị của dân tộc Tạng ở Địch Khánh (Díqìng) có tên cũ là Trung Điện (Zhōngdiàn), trong tiếng Tạng là Gyalthang.
Đây là một thảo nguyên rộng lớn nằm ở độ cao 3.300 mét so với mực nước biển, phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Từ năm 2001, Trung Điện được đổi thành Shangri La để kích cầu du lịch, tạo tò mò cho du khách đến khám phá vùng đất thiên đường như trong tiểu thuyết Lost Horizon của nhà văn người Anh James Hilton ra mắt năm 1933.
Sự trùng hợp thú vị là những gì nhà văn này miêu tả vềmột thung lũng thiên đường nơi hạ giới không có thật đều trùng khớp với Trung Điện.
Hãy thử một lần viết những lời cầu nguyện trên lá cờ Lungta, treo cao trong gió ở đất trời Shangrila để những chú ngựa gió mang lời nguyện ước của bạn đến khắp thế gian. Đến với Shangrila, chúng ta dường như có thể nhìn lại mọi sự việc theo một cách rất khác. Theo một hướng mà cuộc sống này luôn xinh đẹp.